Thursday 5 January 2012

Thời suy thoái, các công ty Mỹ sống sót cách nào?


Ngày 03.01.2012, 19:28 (GMT+7)

Thời suy thoái, các công ty Mỹ sống sót cách nào?

SGTT.VN - Nhiều người Mỹ than phiền rằng các công ty Mỹ đang rất miễn cưỡng thuê thêm nhân công. Điều các công ty Mỹ quan tâm hiện nay không phải là làm sao thuê thêm nhiều nhân công để giảm tình trạng thất nghiệp mà là tìm cách cải thiện đáng kể năng suất.

Các công ty Mỹ ngày nay đã đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và tự động hóa để tăng năng suất. Ảnh: Reuters

Sau khi suy giảm trong nửa đầu năm nay, năng suất lao động Mỹ (sản lượng trên một giờ) trong quý III năm 2011 cao hơn 2,3% so cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh nhất trong 18 tháng qua. Năng suất sản xuất quý IV tăng 2,9% so với năm 2010. Tăng trưởng năng suất của Mỹ đã mạnh hơn so với các nước giàu khác. Hiện tại với các doanh nghiệp ở Mỹ, có hai cách có thể giữ cho năng suất ở mức tăng như quý vừa qua. Một là người lao động sợ mất việc nên các ông chủ khá dễ dàng đưa ra các hình thức tăng ca, thêm việc. Ngay cả các công ty có tổ chức công đoàn cũng cho biết người lao động còn đi làm sớm hơn hàng giờ đồng hồ để xếp hàng chờ đổi ca.

Hai là, thời điểm khó khăn buộc các công ty phải nghĩ cách để làm cho từng đơn vị sản xuất hoạt động hết công suất. Chẳng hạn công ty Sealed Air nâng cấp một máy đông lạnh sản phẩm thịt trong siêu thị để máy này có công suất 550 đơn vị/giờ thay vì 400 đơn vị/giờ như ba năm trước.

Các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào cải tiến hơn, thay vì tích trữ tiền mặt hoặc mua cổ phiếu để tăng cổ phần trong công ty, họ đã chi nhiều hơn cho máy móc và công nghệ thông tin. Có thể thấy những ví dụ điển hình về quá trình thay đổi này ở các công ty Hertz, McDonald's và Starbucks. Nhìn chung, suy thoái kinh tế đã buộc các công ty Mỹ phải cứng cáp hơn, tạo cho họ lợi thế lớn hơn so với các đối thủ nước ngoài, tuy nhiên tất cả chỉ là tạm thời. Nói như William Hickey, ông chủ của Sealed Air, một nhà máy mở ở Mexico ban đầu sản xuất ít hơn một nhà máy ở Mỹ, nhưng chỉ trong bốn năm đã có thể sản xuất ở mức ngang bằng.

Khả Anh (Economist)

source

http://sgtt.com.vn/Quoc-te/157728/Thoi-suy-thoai-cac-cong-ty-My-song-sot-cach-nao.html

Monday 2 January 2012

Chủ tịch thưởng Tết nhà 8 tỷ: 'Cơ hội có trong khủng hoảng'


Chủ tịch thưởng Tết nhà 8 tỷ: 'Cơ hội có trong khủng hoảng'

Gây sốc với khoản thưởng Tết cho nhân viên năm 2011 là căn nhà 8 tỷ đồng kèm 200 triệu đồng tiền mặt, Chủ tịch tập đoàn C.T Group Trần Kim Chung chia sẻ trong khó khăn, khủng hoảng ông tìm thấy không ít cơ hội.
> Thưởng Tết nhà giá 8 tỷ, kèm tiền mặt 200 triệu
> Ông chủ Phở 24 từng trượt đại học, làm bồi bàn
> Chủ tịch Đảo Kim Cương chia sẻ khó khăn với đối thủ

- Bất ổn kinh tế trong năm 2011 khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với việc thiếu vốn, chi phí tăng, thu hẹp sản xuất, thua lỗ... Những thách thức ấy hưởng như thế nào đến C.T Group?

- Năm 2011, kinh tế trải qua nhiều khó khăn và chưa có tín hiệu tươi sáng hơn vào năm 2012. Nhiều chủ doanh nghiệp nói với tôi rằng không biết họ có thể chịu đựng được bao nhiêu ngày nữa. Sức chịu đựng của họ đang được tính theo ngày chứ không phải theo tháng hay năm nữa. Riêng C.T Group, nhờ có bề dày lịch sử hoạt động đa ngành trong 6 lĩnh vực và có 36 công ty thành viên tạo giá trị gia tăng cho nhau nên chúng tôi tương đối vững vàng sau hai đợt khủng hoảng vừa qua. Mặc dù tập đoàn vẫn bị ảnh hưởng và tổn thương nhưng so với các doanh nghiệp khác chúng tôi tương đối ổn định. Thậm chí trong những cơn khủng hoảng như thế này chúng tôi lại tìm thấy được cơ hội để mở rộng và lớn mạnh hơn.

Chủ tịch tập đoàn C.T Group Trần Kim Chung chia sẻ trong năm 2011 ông tìm thấy nhiều cơ hội trong khủng hoảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Những cơ hội nào ông đã tìm thấy?

- Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, chúng tôi đã mua lại một số doanh nghiệp, tiến hành sáp nhập thuận lợi, kể cả mua lại một số dự án tốt. Đây là trường hợp đặc biệt, vì trong điều kiện bình thường rất khó có cơ hội tiếp cận những thương vụ này. Khi mua lại, chúng tôi đưa các giá trị cộng thêm về mặt thương hiệu, kinh nghiệm, dịch vụ và kết nối được với các ngành khác trong hệ thống của tập đoàn nên cơ hội thành công khá cao.

Ví dụ, khi thị trường bất động sản khủng hoảng, chúng tôi đã tìm thấy một số cơ hội nhất định. Chẳng hạn như khởi công xây dựng dự án trong giai đoạn này giá vật tư rẻ hơn so với những thời điểm khác. Lúc này nhân công luôn dồi dào và nhà thầu cũng rất cần chủ đầu tư nên việc hợp tác triển khai dự án thuận lợi hơn. Mặt khác, các dự án chúng tôi chọn phát triển đều có điểm chung là tọa lạc trong khu trung tâm nên lượng tiêu thụ tương đối ổn định.

Tuy đang gặp nhiều khó khăn nhưng về lâu dài tôi tin thị trường bất động sản vẫn còn đầy tiềm năng. Vì thế trong kế hoạch 5 năm, dự kiến chúng tôi sẽ có nhiều sản phẩm địa ốc chất lượng tốt chọn điểm rơi vào năm 2013. Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thị trường bình ổn trở lại.

- Nhiều doanh nghiệp tỏ ra bi quan trước dự báo kinh tế năm 2012. Riêng ông chuẩn bị đối mặt với thách thức mới như thế nào?

- Nếu cuộc khủng hoảng năm 2009 có thể qua đi nhanh vì chính sách Nhà nước điều chỉnh kịp thời thì lần này kéo dài rất lâu. Đây là hệ quả tích lũy lâu dài sự lãng phí nhiều lĩnh vực trong xã hội nên cần rất nhiều thời gian để khắc phục. Tôi cho rằng kỳ vọng nền kinh tế có chuyển biến lớn và thay đổi nhanh trong năm 2012 là quá sớm. Tuy nhiên, các động thái của Chính phủ về việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng khiến doanh nghiệp có cơ sở tin tưởng vào tương lai.

Trong giai đoạn này chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư vì đây là chiến lược phát triển lâu dài của tập đoàn. Mọi người có thể nhìn thấy C.T Group vẫn duy tốc độ phát triển ở khắp nơi để tiếp tục củng cố mô hình đa ngành của mình. Tất nhiên trong năm 2012 chúng tôi sẽ phải cân đối lại dòng tiền và nguồn vốn sao cho phù hợp hơn.

Với ông Chung, kinh nghiệm thất bại gần như phá sản hoàn toàn cách đây 24 năm đã giúp ông luôn thận trọng khi dưa ra mọi quyết định đầu tư. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Nếu hồi tưởng về khoảng thời gian sôi nổi chốn thương trường, dấu ấn nào khiến ông khó quên nhất?

- Khởi nghiệp từ năm 16 tuổi, tính đến nay tôi có gần 30 năm làm kinh doanh. Riêng tập đoàn C.T Group cũng gần 20 tuổi. Tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm trên thương trường và nhìn thấy không ít bài học đau xót của doanh nghiệp.

Trong quá trình kinh doanh, tôi cũng đã từng thất bại, phải “lên bờ xuống ruộng”. Bản thân tôi cũng đã có bài học cay đắng khó quên. Cách đây khoảng 24 năm, chúng tôi đã có một lần gần như phá sản hoàn toàn và phải trải qua thời kỳ vô cùng đen tối. Chính kinh nghiệm thất bại đó giúp chúng tôi về sau này luôn thận trọng với mọi việc.

Ngày đó tôi hãy còn là chàng thanh niên, khi vấp váp, thất bại, có thời điểm tôi rất bi quan. Tuy nhiên, nhờ bề dày giáo dục của gia đình nên tôi dần bình tĩnh trở lại. Tôi từng nghĩ, phá sản cũng chưa phải là việc xấu nhất mà mình phải đương đầu. Chính vì vậy, chúng tôi đã từng bước vượt qua các trở ngại lớn để tiếp tục đi con đường của mình.

- Trong đời sống ai cũng có tham vọng và ước mơ, thế còn ông?

- Ngày xưa khi thành lập công ty chúng tôi làm vì sự đam mê đồng thời vì tấm lòng đối với xã hội. Với tinh thần đó, chúng tôi gầy dựng C.T Group như ngày hôm nay. Tham vọng của tôi là tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển không chỉ hàng chục mà là hàng trăm năm. Tôi muốn mình chỉ là người đặt viên đá đầu tiên cho Tập đoàn và sẽ còn nhiều thế hệ C.T Group nối tiếp nhau đưa thương hiệu này vươn ra thế giới.

Tôi có nhiều ước mơ. Thế nhưng, ước mơ thường trực nhất là mọi người có cuộc sống bình an, tốt đẹp hơn. Có lẽ vì vậy mà niềm vui của tôi luôn là những dịp cùng tập đoàn làm công tác xã hội. Năm ngoái chúng tôi đã có chuyến đi xuyên Việt của toàn thể cán bộ nhân viên trong tập đoàn đến các tỉnh thành và mang theo nhiều thuốc men, quà tặng giúp trẻ em nghèo. Những chuyến đi như thế luôn khiến tôi thấy ấm áp.

Vũ Lê

source

Binh Hoa Saigon đã chia sẻ một liên kết.
vnexpress.net
Gây sốc với khoản thưởng Tết cho nhân viên năm 2011 là căn nhà 8 tỷ đồng kèm 200 triệu đồng tiền mặt, Chủ tịch tập đoàn C.T Group Trần Kim Chung chia sẻ trong khó khăn, khủng hoảng ông tìm thấy không ít cơ hội. > Thưởng Tết nhà giá 8 tỷ, kèm tiền mặt 200 triệu> Ông chủ Phở 24 từng trượt đại học, làm...